Quá trình hình thành và xây dựng

17242
June 30, 2015
Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh vốn thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội.
Phụ Khánh nguyên là hai thôn Nguyên Khánh và Nam Phụ hợp nhất và đến thế kỷ XIX, làng Phụ Khánh là nơi duy nhất ở kinh thành Thăng Long có nghề thủ công truyền thống, chuyên làm các loại đồ gia dụng như: siêu, ấm, bếp lò bằng đất nung nên còn có tên Nôm là làng Hỏa Lò.
 
Những sản phẩm thủ công của làng Phụ Khánh không chỉ được người dân ở kinh thành Thăng Long ưa chuộng, mà nhiều tỉnh, thành cũng biết đến. Nhờ có nghề thủ công truyền thống “Hỏa Lò” mà đời sống của nhân dân nơi đây cũng sung túc.
 
Khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, chúng đã cho di chuyển toàn bộ dân làng cùng những ngôi đình, chùa cổ kính của làng Phụ Khánh đi nơi khác, như chùa Chân Tiên, đình Phụ Khánh dời xuống cuối phố Bà Triệu ngày nay, còn các chùa Bích Thư, Bích Họa thì bị phá hủy hoàn toàn. Thực dân Pháp đã lấy toàn bộ đất làng xây dựng nhà tù, Tòa án và Sở Mật thám, tạo thành một hệ thống chuyên chế liên hoàn phục vụ đắc lực cho việc cai trị và đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam.
 
Nhà tù Hỏa Lò có tổng diện tích 12.908m2, là một trong những nhà tù lớn và kiên cố vào bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ.
 
Như vậy, kể từ năm 1896, người dân Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đã vĩnh viễn mất đi một ngôi làng cổ có nghề thủ công truyền thống lâu đời.
 
Theo bản thiết kế đã được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt ngày 27/4/1896, Nhà tù Hỏa Lò gồm các hạng mục: Một nhà dùng cho việc canh gác; Hai nhà dùng làm bệnh xá; Một nhà dùng làm nhà thương bố thí; Hai nhà dùng để giam bị can; Một nhà dùng để làm phân xưởng; Năm nhà dùng để giam tù nhân. Bao quanh nhà tù là một bức tường đá kiên cố, cao 5m, dày 0,5m, trên cắm mảnh chai và chăng dây kẽm gai. Dưới chân tường phía bên trong là đường tuần tra rộng hơn 2m. Bốn góc nhà tù là 4 tháp canh, từ đây có thể quan sát được toàn bộ phía trong và xung quanh phía ngoài nhà tù. Nguyên vật liệu được thực dân Pháp lựa chọn để đưa vào xây dựng có những yêu cầu rất cao về chất lượng với mục đích biến nơi đây thành một nơi giam giữ rất kiên cố, tù nhân không thể trốn thoát bằng bất cứ hình thức nào.

Vị trí làng Phụ Khánh trước khi thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Hỏa Lò
(Bản đồ Hà Nội, năm 1886)
 

Phòng trưng bày về làng Phụ Khánh
Hiện vật gốm - Sản phẩm của làng nghề Phụ Khánh 
 Hiện vật gốm - Sản phẩm của làng nghề Phụ Khánh
Toàn cảnh Nhà tù Hỏa Lò 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hệ thống trưng bày thường xuyên

Nằm giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam yêu...