Cây Bàng “Tình nghĩa”

14642
August 02, 2016
Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896, kiến trúc nhà tù được thiết kế theo các khu vực giam giữ riêng biệt. Tại sân trại giam Nam và Nữ đều được trồng một loại cây, đó là Cây Bàng. 
Nguồn gốc của Cây Bàng theo lời kể của một số cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò thì: trước năm 1930, những tù nhân đã thành án phải đi lao động làm vệ sinh bên tòa án, họ đã bứt những Cây Bàng mọc dại trên các lùm cỏ mang về trồng trong sân các khu trại giam. Theo thời gian, Cây Bàng đã lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.
 
 
Cây Bàng tại sân Trại Nam tù nhân - Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp năm 1993) 
 
Vào thời gian được ra ngoài, khoảng sân cạnh gốc Cây Bàng là nơi tù chính trị tập trung dưới tán lá Bàng xòe rộng để tận hưởng khí trời thoáng mát cùng với những làn gió nhẹ thổi qua, họ tranh thủ bàn và đề ra những biện pháp chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân. Gốc Cây Bàng không chỉ là nơi chứng kiến cuộc sống hàng ngày, chia sẻ niềm khao khát, mục đích, lý tưởng, tình cảm của người cộng sản mà còn  là “hòm thư bí mật” giấu và trao đổi thông tin, tài liệu tuyên truyền cách mạng trong tù.
 
 
 Hiện vật Gốc Cây Bàng - “Hòm thư liên lạc” của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1946 - 1954
 
Những vật dụng thân thuộc cũng được người tù chính trị tạo ra từ cành bàng như: tẩu hút thuốc, bút viết, đũa  ăn cơm. Lá bàng non được người tù nhai, nuốt hay đun làm nước uống để chữa cảm nóng hoặc giã nát, hơ nóng chườm và đắp vào những nơi đau nhức; quả bàng chín được  dành dụm làm “thuốc bổ” dự trữ cho tù nhân ốm yếu. 
 
 
 
 
Quản bút, Tẩu hút thuốc - Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò làm từ cành Bàng 
 
Tác dụng diệu kỳ của quả bàng đối với sức khỏe của người tù đã được Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Huynh - Nguyên tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1943 khẳng định : “... Tôi có ký ức sâu sắc về cây bàng và những quả bàng chín ở trại giam Hỏa Lò vì sau khi trải qua một trận ốm nặng, đúng là từ cõi chết trở về, anh em trong trại tăng cường giúp tôi thuốc để điều trị và đặc biệt gửi cho tôi nhiều quả bàng chín, lúc đó đúng là loại “thuốc bổ hồi sinh” giúp tôi hồi phục dần dần...”.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà tù Hỏa Lò đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia (năm 1997) và trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Cây Bàng  “Tình nghĩa”  vẫn xanh tươi, vượt qua sự  khắc nghiệt của khí hậu, thời gian; trở thành hiện vật vô giá minh chứng cho sức sống mãnh liệt, ý chí bất diệt của những chiến sỹ yêu nước, cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa.
                                   Đào Thị Huệ, Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...