Một tình yêu lớn (Phần cuối)

11098
February 11, 2018
Với mong muốn tri ân sự cống hiến, hy sinh của những nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, sau thời gian dài nghiên cứu, lần đầu tiên tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, những hình ảnh, tài liệu về 5 đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ được lựa chọn để trưng bày trong chuyên đề “Sáng mãi niềm tin”.
Xin được giới thiệu tới quý độc giả bài viết của Nhà văn Nguyệt Tú về chuyện tình yêu, tình vợ chồng, tình đồng chí của 2 nhà cách mạng: Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.
 
Phần 4: Cuộc chia ly màu đỏ
Một buổi trưa mùa hè năm 1942, bóng cây bàng in trên sân nhỏ xà lim số 2 Côn Đảo. Dưới gốc bàng, người lính Gardien Ấn Độ vừa ở đất liền ra đang nói chuyện với một người tù chính trị cao gầy khẳng khiu, mặc áo chàm. Lê Hồng Phong, người tù chính trị ấy, hỏi người lính Ấn:
- Chúng tôi có một nữ đồng chí là Minh Khai bị xét xử thế nào, ông có biết không?
Vừa nghe tên Minh Khai, người lính Ấn đứng lên cất mũ cúi chào rồi kể:
- Bà lớn Minh Khai bị bắn chết rồi.
Vẻ mặt người lính Ấn trang nghiêm, đôi mắt rất buồn. Cái chết của nhà cách mạng Minh Khai đã làm anh xúc động mạnh. Anh cảm thấy sự hy sinh của người phụ nữ ấy rất thiêng liêng. Gần một năm trôi qua mà anh vẫn nhớ như in ngày 28/8/1941. Giọng anh lính đanh lại:
- Tôi nói bà lớn là bà lớn thật, núi cũng phải nghiêng mình, cây cối cũng phải cúi chào bà.
Lê Hồng Phong lặng im nghe như nuốt lấy từng lời. Anh không muốn tin rằng người đồng chí, người vợ yêu của mình không còn nữa.
 
 
Con gái Lê Nguyễn Hồng Minh cùng hai cháu ngoại 
của đ/c Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai
 
Minh Khai biết giặc Pháp sẽ giết chị. Mặc dù không tìm được chứng cứ gì để kết án chị, chúng vẫn ghi vào bản án tử hình: "Tội phiến loạn Nam Kỳ khởi nghĩa". Minh Khai suy nghĩ và bình tĩnh chuẩn bị cho ngày vĩnh biệt đồng chí, đồng bào. Chị xin đoàn thể một tấm vải trắng, tự tay cắt may hai bộ quần áo. Một bộ chị gửi cho Lê Hồng Phong, một bộ luôn luôn giữ bên mình. Chị muốn, khi bị xử bắn, máu trong tim trào ra sẽ nhuộm đỏ tấm áo trắng như màu cờ Đảng. Minh Khai bị thực dân Pháp kết án một tù chung thân, hai án tử hình. Chúng bắn chị tại Hóc Môn, Gia Định ngày 28/8/1841 cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần.
 
 
Áo gối của đồng chí Minh Khai thêu tặng mẹ và em gái thời gian ở trong tù, năm 1940
 
Trước hôm bị thực dân Pháp xử bắn, chị viết thư vĩnh biệt chồng. Mảnh giấy cuốn thuốc lá vo nhỏ bằng đầu tăm với mấy dòng chữ viết vội bằng bút chì đã đến tay anh. Nét chữ quen thuộc, thân yêu:
"Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy".
 
 
Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
 
 
Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Phong
 
Hiện nay, ở Thành phố  Vinh, Nghệ An, có hai con đường rộng rãi, thoáng đãng, mang tên cặp vợ chồng: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai. Cuộc đời, tình yêu và hạnh phúc của anh chị gắn liền với cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước.
Nhà văn Nguyệt Tú
(Nguyễn Thị Khánh Hồng trích đăng)
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...